Trần Thủ Độ: Đời luận anh hùng - Vnfeel

Advertisement

test banner

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Trần Thủ Độ: Đời luận anh hùng

Trong việc đánh giá các nhân vật lịch sử, thường có một câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà thật sự không đơn giản chút nào : Có đáng được xem là anh hùng không? Bởi trong thực tế, có không ít nhân vật công tội khó phân. Thêm vào đó, việc đánh giá lại còn tùy thuộc vào từng quan điểm, từng thời đại. Mà cái việc “đời luận anh hùng” này lại lắm phần phức tạp. Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử điển hình cho trường hợp này.


Khu lăng mộ Trần Thủ Độ tại làng Ngừ, Thái Bình.




Gia đình ngư phủ đổi đời

Trần Thủ Độ sinh năm 1194, mất năm 1264. Sử cũ không thấy chép về cha mẹ của ông, và hiện tại đây vẫn còn là một điểm mờ của làng sử học Việt Nam. Người ta chỉ biết rằng, Trần Thủ Độ từ nhỏ đã được người bác tên là Trần Lý nuôi dưỡng.

Số là vào đầu thế kỷ 13, vua Cao Tông nhà Lý ăn chơi vô độ, khiến loạn lạc nổi lên khắp nơi và dẫn đến cái loạn của Quách Bốc. Cao Tông bèn dẫn thái tử Sảm bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long. Sau đó, thái tử Sảm chạy về Hải Ấp, làng Lưu Gia và được gia đình Trần Lý che chở. Gia đình Trần Lý làm nghề chài lưới, nhưng rất giàu có, và nhân buổi loạn lạc cũng tuyển mộ được binh lính riêng. Chính gia đình Trần Lý đã về kinh dẹp loạn, đưa cha con Cao Tông trở lại Thăng Long.

Đến năm 1210, Cao Tông mất, trị vì được 35 năm, hưởng dương 38 tuổi. Thái tử Sảm lên ngôi lấy hiệu Huệ Tông (1211-1225). Khi tá túc nhà Trần Lý, Huệ Tông đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung. Sau khi lên ngôi, Huệ Tông cho rước Trần thị về làm Nguyên phi, và sau đó là hoàng hậu. Bấy giờ Trần Lý đã chết, nên Huệ Tông bèn phong cho con trai thứ của Trần Lý là Trần Tự Khánh làm Chương Tín hầu, và sau đó là Phụ chính. Anh trai Trần Tự Khánh là Trần Thừa cũng được phong làm Nội thị Phán thủ.

Một thời gian sau, Huệ Tông phải bệnh, thỉnh thoảng lên cơn điên dại. Thế là triều chính hoàn toàn do anh em Trần Tự Khánh nắm cả. Năm 1228, Trần Tự Khánh mất. Huệ Tông bèn phong cho Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy. Năm sau, lại phong cho Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Như vậy, Thủ Độ là em họ của Hoàng hậu và Phụ quốc Thái úy. Quyền hành coi như về tay họ Trần cả, chỉ còn việc chính thức thiết lập nhà Trần nữa là xong.

Sử cũ chép rằng, vào năm 1224, Trần Thủ Độ đã ép Huệ Tông nhường ngôi cho con gái mới lên 7 tuổi là Chiêu Thánh Công Chúa, tức Lý Chiêu Hoàng. Chị của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công Chúa thì được Trần Thủ Độ sắp đặt kết hôn với con trai lớn của Trần Thừa là Trần Liễu. Em trai Trần Liễu là Trần Cảnh, cũng vừa 7 tuổi kết hôn với Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thế là, Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Thái Tông, bắt đầu triều đại nhà Trần. Triều Lý do Lý Công Uẩn lập nên đến đây là dứt, tồn tại được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.

Bấy giờ, Thái Tông mới có 8 tuổi, nên mọi việc điều do chú họ là Trần Thủ Độ nắm cả. Vừa lên ngôi, Thái Tông đã ban chiếu phong Trần Thủ Độ làm Thái Sư Thống Quốc nắm hết binh quyền. Đối với một ông vua 8 tuổi, thì rõ ràng việc gia phong này là do chủ ý Trần Thủ Độ cả.

Để củng cố quyền lực nhà Trần, Thủ Độ rắp tâm diệt cỏ tận gốc đối với tôn thất nhà Lý. Năm 1225, Thủ Độ ép Huệ Tông phải tự tử. Sử cũ còn chép, năm 1232, nhân tôn thất nhà Lý về tế lễ, Thủ Độ ngầm sai người đào hầm đặt bẫy chôn sống tất cả. Sau đó, để tuyệt được hậu họa, Thủ Độ còn lấy cớ là tên của tiên tổ Triều Trần là Trần Lý, vì thế phải kiên húy chữ Lý, và ra lệnh người họ Lý trong nước phải đổi thành họ Nguyễn.

Còn việc trong nhà, sau khi bức tử Huệ Tông, Thủ Độ ép vua ban chiếu giáng thái hậu Trần Thị Dung xuống làm Thiên Cực Công Chúa và gả cho Trần Thủ Độ. Lý Chiêu Hoàng lấy Thái Tông Trần Cảnh đã 12 năm mà chưa sinh con, Thủ Độ bèn ép Thái Tông giáng xuống làm Công chúa, rồi đem chị của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa, gả cho Thái Tông làm Hoàng hậu. Khi ấy Thuận Thiên Công chúa là vợ của Trần Liễu, và đã có thai với Trần Liễu 3 tháng.

Công và tội ?

Trần Thủ Độ nắm quyền hành nhà Lý và là linh hồn của chính quyền nhà Trần cho đến khi ông mất vào năm 1264, tức trên 40 năm điều hành đất nước. Đánh giá về Trần Thủ Độ, các sử gia Nho giáo đã không tiếc lời chỉ trích.

Như việc Thủ Độ đổi vợ thay chồng trong tôn thất nhà Trần như đã nêu trên, Ngô Thời Sĩ trong Đại Việt Tiêu Án đã thốt lên: “…con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa là gì, tập tục loạn luân như thế…”. Sử gia Phan Phu Tiên nhận định : «Tam cương ngũ thường, đó là luân lý trọng đại của loài người. Thái Tông là vua sáng nghiệp, đáng nên lập ra phép tốt để cho đời sau theo, thế mà lại nghe mưu gian tà của Thủ Độ, cướp vợ anh làm vợ mình, như thế chả phải tự mình làm trái luân thường để mở đầu cái mối dâm loạn đấy ư?”. Sử gia Trần Trọng Kim thì cho rằng: “Làm loạn nhân luân như thế thì từ thượng cổ mới có một”.

Còn việc Trần Thủ Độ dùng hôn nhân cướp ngôi nhà Lý, thì các sử gia Nho Giáo cũng phê phán nặng nề. Chẳng hạn như các sử gia nhà Nguyễn đã phê trong bộ Việt Sử Thông Giám Cương Mục rằng: “Huống chi làm những nết xấu như chó lợn, dạ độc như hùm beo, dựng nước mà như thế thì làm thế nào mà lâu dài được?...Thực là việc lạ, suốt nghìn xưa chưa hề có”.

Thế nhưng, ngoài việc này ra, nếu nhìn vào giai đoạn sau khi cướp ngôi nhà Lý, thì Trần Thủ Độ lại là người có công lớn không chỉ với nhà Trần mà còn với cả non sông. Như đã nói, ông nắm quyền lèo lái triều đình nhà Trần đến khi mất vào năm 1264. Trong giai đoạn đó, một loạt công việc từ kinh tế, chính trị, quốc phòng…đã được thực hiện.

Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, kể từ thời Cao Tông nhà Lý, triều đình bắt đầu lâm cảnh suy vi, vua mãi ăn chơi bỏ bê chính sự, loạn lạc khắp nơi nổi lên, kinh tế suy sụp. Sau khi nhà Trần được lập, vua Trần Thái Tông chỉ là cậu bé chưa đầy 10 tuổi. Chính Trần Thủ Độ đã ngược xuôi dẹp nội loạn, đưa đất nước từ loạn đến trị. Ông cũng đã lèo lái hệ thống chính quyền khôi phục kinh tế, định lại thuế khóa, xây dựng đê điều, mở rộng chế độ tư hữu ruộng đất, xây dựng và củng cố quân đội, chăm lo học hành…

Chính vào giai đoạn này, nhà Trần đã mở khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Ngoài việc lập Quốc học viện để giảng Tứ thư Ngũ kinh, Trần Thủ Độ còn cho lập giảng võ đường để luyện tập võ nghệ. Sử gia Trần Trọng Kim là người phê phán gay gắt chuyện Trần Thủ Độ soán ngôi nhà Lý, cũng thừa nhận rằng: “Thủ Độ một tay cáng đáng bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự được với Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường”.

Một công lớn nữa của Trần Thủ Độ đó là ông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất vào năm 1258. Trần Thủ Độ với vai trò là người nắm đại quyền ở triều chính, đã xúc tiến việc củng cố quân đội. Khi giặc Nguyên-Mông tràn sang, quân đội nước Nam khi ấy có đến 20 vạn người. Đây là một chiến công trong xây dựng quân đội sau giai đoạn trì trệ kéo dài của các vua cuối triều Lý. Trước thế mạnh của giặc, vua tôi nhà Trần phải rút khỏi Thăng Long. Khi ấy không phải không có đại thần toan đầu hàng. Sử cũ chép rằng, vua Thái Tông ngự thuyền đến hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu, vị quan này không trả lời mà cầm sào viết xuống nước hai chữ “Nhập Tống”. Sau đó, khi Thái Tông đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, thì Thủ Độ trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin Bệ hạ đừng lo”. Câu nói này đã cho thấy được tinh thần yêu nước đáng trân trọng của Trần Thủ Độ, vì nếu ông chỉ là người hám quyền hám danh thì đã không có cái chí khí kiên cường đến thế!

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê còn chép lại nhiều mẫu chuyện về đức độ làm quan của Trần Thủ Độ :

- Thấy Thủ Độ quyền át cả vua, có kẻ ngầm vào gặp Vua Thái Tông mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu, mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông bèn cho bắt người đó giải đến phủ Thủ Độ. Sau khi nghe chuyện, Thủ Độ đáp: “Quả đúng như lời hắn nói”. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho người đó.

- Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung khi là vợ của Trần Thủ Độ, một hôm ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc với Thủ Độ. Ông tức giận sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu thất kinh và tưởng thế nào cũng chết. Nhưng khi đến trình bảo mọi điều với Thủ Độ, thì Thủ Độ lại khen ngợi người lính hiệu đã biết giữ đúng phép nước và ban thưởng cho.

- Có lần, bà Trần Thị Dung xin với Thủ Độ cho một người được làm câu đương. Thủ Độ nhận lời. Khi gặp người ấy, ông bảo: “Người vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Người nọ hoảng hồn khóc lóc van xin mãi mới được tha và không dám xin chức câu đương nữa. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa.

- Có lần Thái Tông muốn cho người anh ruột của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ bèn tâu: An Quốc là anh thần, nếu giỏi hơn thần thì thần xin rút lui, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc, nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao? Vua nghe nói vậy mới thôi.

Qua đó, ta thấy rằng Trần Thủ Độ rõ ràng là một vị quan gương mẫu xưa nay hiếm, một người “vĩ công vi thượng”. Sử gia Nguyễn Khắc Thuần trong bộ Việt Sử Giai Thoại đã nhận định: “Chính quyền nhà Trần là chính quyền của quý tộc họ Trần. Chính quyền ấy cho phép con em quý tộc được quyền sống dựa vào uy danh và bổng lộc của cha ông. Song, đọc chuyện Trần Thủ Độ, ai dám bảo con cháu ông sẽ dựa hơi ông để ức hiếp người đời!”

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lê nhìn nhận: « Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả …Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẩn tránh với đời sau vậy”. Khâm Định Triều Nguyễn cũng cho rằng: “…những việc giết vua triều trước và thông dâm với vợ vua, việc gì Thủ Độ cũng nhẫn tâm làm cả. Như thế Thủ Độ là bầy tôi có công với triều Trần, mà là người có tội với triều Lý”. Sử gia Trần Trọng Kim cho rằng: “Thủ Độ là một người rất gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một đại công thần của nhà Trần”.

Đến đây, ta thấy rằng, việc các sử gia khen và chê Trần Thủ Độ tựu chung có hai điểm:

- Chê việc ông đã soán ngôi nhà Lý và còn độc ác tận diệt người họ Lý, chê vì ông đã bất chấp luân thường để thay đổi gán ghép hôn nhân của người trong gia tộc họ Trần.

- Khen ông là một người lãnh đạo có tài và hết lòng vì nước.

Rõ ràng, ta thấy rằng, tất cả những việc Trần Thủ Độ làm bên trên là vì dòng tộc họ Trần, vì để củng cố triều Trần. Như vậy đối với dòng tộc họ Trần ông là người có công. Sau khi dựng nên nhà Trần, Thủ Độ tay nắm đại quyền đã vực dậy đất nước sau giai đoạn suy tàn thời mạc Lý, để làm tiền đề cho nước Việt đủ sức đương đầu và ba lần đánh lui quân xâm lược Nguyên-Mông, một đội quân chinh phạt mà trước đó đã “làm cỏ” khắp Á Âu. Như vậy, đối với non sông, Thủ Độ cũng lập đại công.

Một điểm cần lưu ý nữa là, chúng ta không thể không công nhận vai trò của Trần Thủ Độ đối với Trần Quốc Tuấn. Nên nhớ rằng, Trần Thủ Độ nắm đại quyền đến năm 1264, và trong cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên-Mông vào năm 1258, Trần Quốc Tuấn cũng đã có tham gia dưới sự chỉ huy của Trần Thủ Độ, và khi ấy Trần Quốc Tuấn chỉ mới 30 tuổi còn Trần Thủ Độ đã 64 tuổi. Hơn nữa Trần Thủ Độ lại là chú họ của Trần Quốc Tuấn. Không thể nói rằng, cái tinh thần vì sự đoàn kết của họ tộc Trần và vì nước vì dân của Trần Hưng Đạo sau này không có ảnh hưởng của Trần Thủ Độ.

Đời luận anh hùng

Đương nhiên, sự phê phán của các sử gia Nho Giáo ngày xưa là gay gắt bởi nếu đứng trên lập trường Nho Giáo, thì rõ ràng việc soán ngôi nhà Lý của Trần Thủ Độ là trái đạo luân thường. Thế nhưng, cũng nên nhớ rằng, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Nho Giáo được khai thác ở những điểm cực đoan nhất nhằm phục vụ cho việc củng cố nhà nước phong kiến. Cái tinh thần trung quân khi ấy đã được đẩy lên mức cực đoan, đến mức mà người ta chỉ thấy vua mà không thấy nước, chỉ biết trung với vua mà không biết trung với nước. Trong khi mà Nho Giáo không hề ca ngợi cái “ngu trung”. Á Thánh Mạnh Tử còn nói rằng: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù” (Vua xem bầy tôi như tay chân thì bầy tôi xem vua như máu thịt, vua xem bầy tôi như chó ngựa thì bầy tôi xem vua như người lạ trong nước vậy thôi, vua xem bầy tôi như đất cỏ thì bầy tôi xem vua như giặc thù). Nói như vậy thì chữ trung có giới hạn chứ không phải vua thế nào thì bầy tôi cũng phải trung. Bởi vì, Mạnh Tử nói: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Trước có dân sau mới tới nước, rồi mới tới vua). Thế thì dân và lợi ích của dân vẫn là trọng nhất.

Trở lại trường hợp của Trần Thủ Độ, đặt giả thuyết ông không soán ngôi nhà Lý mà tiếp tục “ngu trung”, thì với cái thế suy vi của nhà Lý lúc bấy giờ liệu nước Việt có thể giữ được chủ quyền quốc gia hay không, chứ chưa nói đến chuyện có thể đánh bại quân xâm lược Nguyên-Mông? Sau hơn bảy thế kỷ nhìn lại, đứng trên phương diện lợi ích quốc gia, ta thấy rằng, Trần Thủ Độ thật sự là người có công với xã tắc. Trường hợp của Trần Thủ Độ cũng là một lời nhắc nhở các thế hệ khi nhận xét đánh giá về bất kỳ một nhân vật lịch sử nào, đó là :không nên đánh giá chỉ dựa vào tiểu tiết mà xem nhẹ những đóng góp lớn lao cho đại cuộc.

Lê Phước

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130830-tran-thu-do-doi-luan-anh-hung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here

Trang